Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10

Đăng lúc: 17:00:23 30/09/2024 (GMT+7)

Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10

 

Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 01/10 hằng năm là Ngày Quốc tế người cao tuổi.  

Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10.

 Năm 1982, lần đầu tiên Liên hợp quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về Tuổi già tại Áo, với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu ở hầu hết các nước trên thế giới. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam. Hội nghị thông qua Chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khoẻ và ăn uống, nhà ở và môi trường, gia đình, dịch vụ và bảo trợ xã hội, việc làm, nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.

 Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1/10 hằng năm làm Ngày quốc tế người cao tuổi. Ngày Quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991. Thông báo của Liên hợp quốc ghi rõ: “Nội dung và lĩnh vực hoạt động nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, có thể đề cập đến các lĩnh vực cụ thể là: Sự cống hiến của người cao tuổi trong khoa học; văn học, nghệ thuật, thể thao và phát triển xã hội; những hoạt động hữu ích trong phạm vi gia đình, cộng đồng, học đường và thương mại. Bên cạnh việc biểu dương những đóng góp trong nhiều lĩnh vực đối với cộng động, cũng cần đề cập đến nghĩa vụ của xã hội cộng đồng đối với người cao tuổi, nhất là những người đang gặp khó khăn trong đời sống do tuổi cao, sức yếu”. Ngày Quốc tế người cao tuổi được tổ chức hằng năm để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, đó cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội, cũng là tâm điểm của Chương trình về người cao tuổi của Liên hợp quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người cao tuổi Việt Nam

Thấy được tầm quan trọng của  người cao tuổi, Viện Lão khoa Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, Ban Vận động thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam được hình thành gồm 15 người. Ngày 24/9/1994, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh ký quyết định thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam. Sau đó, Ban Vận động đã triệu tập đại biểu người cao tuổi cả nước tiến hành Đại hội thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam vào các ngày 09-10/5/1995 (sau đó lấy ngày 10/5 là ngày kỷ niệm thành lập Hội). Đây là dịp toàn xã hội và gia đình ghi nhận, trân trọng sự đóng góp của người cao tuổi vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống; quan tâm, chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi phù hợp truyền thống đạo lý dân tộc và thời đại. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản đối với người cao tuổi để bảo đảm đời sống vật chất cũng như tinh thần của người cao tuổi, cụ thể: Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 về chăm sóc người cao tuổi của Ban Bí thư Trung ương Đảng;  Chỉ thị số 117/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về chăm sóc người cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội người cao tuổi Việt Nam; Pháp lệnh người cao tuổi số 23/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành; Quyết định số 141/2004/QĐ-TTG ngày 05/8/2004 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Luật người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009; Bộ luật Lao động ban hành ngày 18/6/2012 có 1 mục quy định riêng đối với lao động là người cao tuổi; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi;  Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, giai đoạn 2012-2020.

Ngày 25/4/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam; Hội người cao tuổi Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo Tháng hành động để tham mưu, phối hợp và triển khai các nội dung hoạt động liên quan đến người cao tuổi. Hằng năm, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đều phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” với chủ đề “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, gia đình, xã hội và người cao tuổi về mục đích ý nghĩa của Tháng hành động; đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Tại Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên thuật ngữ “Người cao tuổi” được nhắc đến tại khoản 2 điều 59 và khoản 3 điều 3 khi đề cập một cách đầy đủ và khẳng định mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi thành viên trong xã hội. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với người cao tuổi đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với người cao tuổi ở Việt Nam. Cụ thể: Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 (nay được thay thế bằng Nghị định 20/2020) của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;  Thông tư số 21/TT-BTC ngày 18/2/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;  Thông tư số 35/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

          Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030. Các nội dung của chính sách người cao tuổi, nhằm hướng đến mục tiêu chăm sóc người cao tuổi về thể chất và tinh thần, nâng cao chất lượng đời sống của người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mạn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí. Đồng thời, phát huy vai trò, kinh nghiệm, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia có hiệu quả vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi./.

Lê Thuận (Công chức VHXH)